Anh Lợi, anh đừng làm
báo nữa-đó là lời nhắn gửi của Đại tá Mai Hữu Hiệp- nguyên giảng viên HV Phòng
không- Không quân gửi đến “nhà báo” Mai Phan Lợi , người “phát ngôn không giốngtiếng dân tộc".
Gửi anh Lợi, người hỏi 'vì sao máy bay CASA tan xác'? |
Gửi anh Lợi!
Chiến tranh đã đi qua
nhưng nỗi đau còn đó. Tôi vẫn không thể nào quên những ngày tháng mưa bom bão đạn
trong chiến tranh giải phóng miền Nam. Khi ấy tôi là cậu trai 18, vừa mới tốt
nghiệp cấp ba ở quê nhà đã làm đơn xin tòng quân ra trận. Trong ký ức của tôi,
những chiều mưa rừng U Minh vẫn còn tiếng bom dội, đạn rơi. Đâu đó trong cơn sốt
rét đồng đội tôi vẫn mơ về ngày hòa bình, trở lại quê nhà. Cũng chẳng thể nào
quên những nỗi đau xé lòng khi phải tự tay vùi đồng đội vào đất để tiếp tục chiến
đấu.
Đại tá Mai Hữu Hiệp-
nguyên giảng viên HV Phòng không- Không quân
Hòa bình lập lại, tôi ở
lại quân ngũ, tiếp tục đời binh nghiệp để trở thành giảng viên Học viện Phòng
không - Không quân. Anh biết đấy, những người đàn ông xa vợ, sau giờ làm chúng
tôi thành bơ vơ. Bạn bè tôi là phi công cũng rất nhiều, anh em thường thường
sum vầy.
Kẻ đi chợ người nấu ăn,
vất vả, vụng về và thiếu thốn nhưng chưa bao giờ thiếu tiếng cười, thiếu tình đồng
đội. Bữa cơm rau luôn ngập chuyện quê nhà, chuyện vợ con, chuyện trăn trở vụn vặn,
chuyện xây cái nhà hay mua cái xe mới để vợ đi làm và đưa con đi học…
Ngày ấy, ngoài giờ dạy ở
trường, tôi còn đi “sửa ti vi” dạo quanh cả khu học viện ở Sơn Tây. Nói không
đùa chứ ngày ấy cứ đến chợ Nghệ mà hỏi “thầy Hiệp sửa tivi” thì ai cũng biết. Cứ
thế cuộc đời của tôi đi qua bằng những tháng năm xa vợ con, xa gia đình…
Lại nhắc chuyện máy bay
rơi mấy ngày qua, kì thực tôi cũng đau xót lắm. Chẳng máu mủ ruột già nhưng dù
sao cũng là người đồng chí. Cậu ấy là lính khi thời bình còn tôi đã đi qua cả
lúc mưa bom bão đạn cho tới ngày “đất nước nở hoa”. Nhưng có khác gì đâu, bởi đời
lính luôn lắm phong ba, lắm thiếu thốn và khát thèm tình cảm gia đình. Chuyện
hy sinh là điều tất yếu, mà bất kì chúng tôi, khi ký giấy tòng quân luôn nhìn
rõ. Thế nhưng, hy sinh giữa thời bình thì ôi thôi, đau đớn vạn lần anh Lợi ạ…
Con gái tôi nó cũng làm
báo, mấy ngày qua, trong vài cuộc điện thoại ngắn ngủi, nó cứ khóc bảo “thương
anh Khải”. Đúng đấy anh ạ, bởi ai chẳng có quyền được sống, được hạnh phúc và ở
bên gia đình. Đặc biệt là người lính chúng tôi, có thêm cái gọi là “quyền hy
sinh” cho Tổ quốc. Cũng vì cái quyền ấy mà vợ anh Khải mất đi một người chồng,
một chỗ dựa để yêu thương, con gái anh mất đi một người cha, gia đình mất đi một
người con, người em… Hơn cả là dân tộc mất đi một người chiến sỹ, một phi công
giỏi.
Không biết anh Lợi đã
bao giờ tự hỏi, nếu đó là một trong những người thân anh trân quý, thì liệu rằng
có tiếc thương không? Không chỉ có vậy, còn cả chục con người nữa, vẫn bặt vô
âm tín giữa muôn trùng sóng khơi. Còn hàng trăm, hàng triệu con người vẫn đang
mỏi mắt nhìn trông.
Anh Lợi ạ! Đau lắm, xót
lắm, nhưng anh có đau, có buồn, hay anh chỉ muốn chứng minh mình mạnh mẽ, khi bắn
“tan xác” cả truyền thống, nhân văn dân tộc đã gìn giữ bao đời?
Bằng cả lòng tự tôn của
người lính, bằng nỗi lòng của người cha có con làm báo, trước thềm 21/6- ngày
Báo chí Cách mạng, tôi nghiêm túc phản đối “phát ngôn không giống tiếng dân tộc”
của anh trên diễn đàn Nhà báo trẻ, nơi có hàng trăm, hàng ngàn bạn trẻ đang tìm
kiếm một môi trường “làm báo sạch” tôn anh làm “người quản lý”.
Tôi tự hỏi trước một nền
dân chủ văn mình như hiện nay thì tại sao những người như anh lại được cầm thẻ
nhà báo, để ngày ngày đi rao giảng về triết lý, đạo đức làm nghề lại có thể
“chà đạp” lên nền văn hiến của cả một dân tộc như vậy?
Đã quá rõ việc anh vi phạm
đạo đức người làm báo. Một nhà báo có tâm, có tầm, chân chính và năng lực không
thể nào lộng ngôn, bàng quang như anh được.
Cũng đã đến lúc, Ban
Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Quốc phòng và Hội Nhà báo
Việt Nam cần có biện pháp xử lý thích đáng anh rồi, anh Lợi ạ. Bởi những người
như anh làm hỏng nghề báo, những kẻ như anh sẽ làm cho các phóng viên, nhà báo
trẻ thêm hoang mang, phẫn nộ.
Anh Lợi, anh đừng làm
báo nữa!
Trích: Đại tá Mai Hữu Hiệp
No comments:
Post a Comment